Thái Bình hợp tác với VNPT về 5 nội dung phát triển Viễn thông – CNTT
Tỉnh Thái Bình đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp nên mục tiêu ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang được đặt lên hàng đầu. Thoả thuận hợp tác chiến lược với VNPT sẽ tạo bước đột phá cho việc thực hiện mục tiêu này.
Tham dự lễ ký kết về phía UBND tỉnh Thái Bình có ông Nguyễn Hoàng Giang, tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch tỉnh; ông Lê Tiến Ninh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Trần Văn Thuyên, Giám đốc VNPT Thái Bình, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh. Về phía VNPT có sự tham gia của ông Phạm Đức Long, Thành viên Hội đồng Thành viên, Phó Tổng Giám đốc VNPT cùng lãnh đạo đại diện các ban, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Theo nội dung thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký kết, trong giai đoạn 2014 - 2020, VNPT sẽ hợp tác và hỗ trợ UBND tỉnh triển khai 5 nội dung chính: Xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT đáp ứng nhu cầu triển khai Chính quyền điện tử của tỉnh Thái Bình; ứng dụng công nghệ thông tin, để xây dựng Chính quyền điện tử; xây dựng giải pháp tổng thể an toàn an ninh thông tin, chính quyền điện tử của tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT) và các nội dung hợp tác khác theo nhu cầu của UBND tỉnh Yên Bái và khả năng đáp ứng của Tập đoàn VNPT.
Là tỉnh ven biển phía Nam Sông Hồng, Thái Bình đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp nên mục tiêu đem ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang được đặt lên hàng đầu. Điều này được thể hiện trên các khía cạnh nổi bật như Thái Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và tích hợp thành công chữ ký số. Tiếp đến là hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông từ tỉnh đến cấp huyện, xã với 89 cơ quan cấp tỉnh, huyện và 286 xã, phường, thị trấn có tổng số hơn 5.000 tài khoản.
Phần mềm một cửa liên thông trong vận động đầu tư của tỉnh Thái Bình được trang bị đồng bộ đã giúp các thủ tục đầu tư trong tỉnh được giải quyết liên thông giữa 10 Sở, ban ngành và 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh. 90% các trường học được trang bị hệ thống máy tính, sử dụng phần mềm hỗ trợ quản lý giáo dục và giảng dạy, các bệnh viện đã đưa vào sử dụng phầm mềm quản lý chuyên ngành, rút ngắn thời gian khám bệnh…
Chính nhờ những ứng dụng VT-CNTT trong công tác quản lý, điều hành nên nếu như năm 2011, tỉnh Thái Bình đứng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước thì đến năm 2013 đã vươn lên đứng 21/63 tỉnh, thành. Hiện tại, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Thái Bình đang đứng thứ 9 trên toàn quốc.
Phó Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết, trong thời gian qua, đất nước ta có những bước tiến dài trong công tác xây dựng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Ban chấp hành TƯ Đảng cộng sản Việt Nam xác định con đường ngắn nhất để phát triển đất nước là vận dụng CNTT, đặc biệt là đặt nền móng CNTT cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Chính vì vậy, Nghị quyết 13-NQTƯ về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đã xác định CNTT là một trong những hạ tầng quan trọng quốc gia, là hạ tầng mềm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, với việc đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu tiện ích của người dân. Đặc biệt, tại phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT ngày 26/6/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí chỉ đạo về chủ trương thuê dịch vụ VT-CNTT trong các cơ quan Nhà nước nhằm tiết kiệm ngân sách, tạo thị truờng, khuyến khích phát triển ngành CNTT.
Tuy nhiên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cũng nhấn mạnh: “Các sản phẩm VT-CNTT không giống như các ngành nghề khác nên cần có sự hợp tác mang tính chất lâu dài để cùng nhau phát triển. Dịch vụ VT-CNTT là dịch vụ ứng dụng phần mềm nên sau khi được triển khai, chúng ta phải liên tục nâng cấp theo yêu cầu của người sử dụng, theo yêu cầu quản trị của đơn vị, đồng thời phải bảo trì, bảo dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực.”
Là doanh nghiệp Nhà nước chủ đạo trong lĩnh vực VT-CNTT, thời gian qua VNPT đã nhận được sự tin tưởng của Bộ Nội vụ, của UBND các tỉnh và đặc biệt là Thái Bình để VNPT là đối tác chiến lược trong việc xây dựng hạ tầng VT-CNTT và triển khai các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của các đơn vị trong giai đoạn 2014 - 2020.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp của VNPT trong sự phát triển CNTT của Thái Bình; từng bước hiện đại, góp phần quan trọng xây dựng một chính quyền điện tử. Phó chủ tịch Nguyễn Hoàng Giang cũng đề nghị hai bên hợp tác thường xuyên, trao đổi thông tin kịp thời về các vấn đề liên quan phục vụ nhiệm vụ của mỗi bên.
Tính đến thời điểm này, VNPT đã ký kết hợp tác chiến lược về viễn thông - CNTT với khoảng 20 đơn vị cùng các tỉnh, thành trong cả nước.
Tin mới hơn
- Viễn thông Thái Bình thông báo tuyển dụng lao động năm 2024
- Viễn thông Thái Bình hoàn thành công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động năm 2024
- 3 kiểu lừa đảo trực tuyến cần cảnh giác nhất hiện nay
- Viễn thông Thái Bình thông báo tuyển dụng lao động năm 2023 đợt 2
- Viễn thông Thái Bình thông báo tuyển dụng lao động năm 2023
- 5 lợi thế cạnh tranh của mạng wifi của VNPT
- Ký kết thoả thuận hợp tác giữa Đoàn thanh niên tỉnh và VNPT Thái Bình giai đoạn 2023-2027
- Viễn thông Thái Bình thông báo tuyển dụng lao động CNTT năm 2022
Tin cũ hơn
Tổng lượt truy cập :
Lượt xem :